Thứ Bảy, 23/06/2018

Thông cáo báo chí Hội nghị quốc tế lần thứ 7 về Sự phát triển Kỹ thuật Y sinh ở Việt Nam

Sau thành công của sáu Hội nghị Quốc tế về sự Phát triển Kỹ thuật Y Sinh vào các năm 2005, 2007, 2010, 2012, 2014 và 2016 trường Đại học Quốc tế - thành viên Đại học Quốc gia TP HCM đã tổ chức hội nghị lần thứ 7 (BME7) tại TP. HCM từ ngày 27 đến 29 tháng 6, 2018.  Chủ trì hội nghị BME6 là PGS.TS. Huỳnh Thành Đạt, Phó Giám đốc thường trực của ĐHQG TP.HCM, TS. Hồ Nhựt Quang, Hiệu phó Trường Đại học Quốc Tế (ĐHQT) - ĐHQG TP. HCM. GS.TS. Võ Văn Tới, Trưởng Bộ môn Kỹ thuật Y Sinh (BM. KTYS) và GS.TS. Lê Hoài Quốc, Trưởng Ban Quản Lý SHTP là Chủ tịch Hội nghị và TS. Lê Quốc Trung, giảng viên BM. KTYS, là Trưởng Ban Tổ chức Hội nghị. GS.TS. Huỳnh Thành Đạt đã có bài phát biểu khai mạc và gửi gắm ý kiến đóng góp cùng những lời chúc tốt đẹp.

Chủ đề của Hội nghị BME7 là “Khoa học và công nghệ ứng dụng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cho các nước đang phát triển”. Hội nghị đã nhận được 202 báo cáo nghiên cứu của hơn 500 tác giả và đồng tác giả đến từ 19 quốc gia bao gồm Úc, Canada, Trung Quốc, Cộng hòa Séc, Pháp, Đức, Israel, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Phần Lan, Tây Đào Nha, Singapore, Thụy Sỹ, Đài Loan, Thái Lan, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ và Việt Nam. Ngoài Việt Nam, Vương quốc Anh, Hàn Quốc và Mỹ là 3 quốc gia có sự đóng góp nhiều nhất về số lượng diễn giả và bài báo. Đặc biệt có sự hiện diện của mười lăm vị Giáo sư đầu ngành trên thế giới trình bày trong phiên họp chung toàn Hội nghị và các phiên họp theo chủ đề chuyên sâu; bao gồm:

(1) GS. Jeff Bulte, Giáo sư ngành Xạ trị, Ung thư, Kỹ thuật Y Sinh, Hóa học và Sinh học Phân tử, Giám đốc Khoa Hình ảnh Tế bào, Viện Kỹ thuật Tế bào, Trường Đại học Y khoa Johns Hopkins, Mỹ; (2) GS. Nigel Culkin, Giáo sư ngành Phát triển Doanh nghiệp và Khởi nghiệp, Ủy viên và Nguyên Viện trưởng Viện Khởi nghiệp và Quản lý Doanh nghiệp vừa và nhỏ (ISBE), Đại học Herfordshire, Vương quốc Anh; (3) GS. Guillaume Haiat, Giám đốc Nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp, Paris Pháp; (4) GS. Sunderesh S. Heragu, Giáo sư và Trưởng khoa Kỹ thuật và Quản lý Hệ thống Công nghiệp, Đại học bang Oklahoma, Hoa Kỳ; (5) GS. Beom-Jin Lee, Hiệu trưởng trường Dược, Đại học Ajou, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Dược, Hiệp hội Sản xuất Dược phẩm, Hàn Quốc; (6) GS. Yung-cang Li, Giáo sư Trường Kỹ thuật, Đại học RMIT, Úc; (7) GS. Paul Milgram, Giáo sư ngành Kỹ thuật Cơ khí và Hệ thống Công nghiệp, Đại học Toronto, Canada; (8) GS. Nam-Trung Nguyen, Giáo sư và Giám đốc Viện Công nghệ Micro và Nano Queensland, Đại học Griffith, Úc; (9) GS. Ruth Nussinov, Giáo sư và Chủ nhiệm Nghiên cứu của Viện Ung thư Quốc Gia Hoa Kỳ và Đại học Tel Aviv, Israel; (10) GS. Wellington Pham, Phó Giáo sư ngành Xạ trị và Kỹ thuật Y Sinh, Trường Y, Đại học Vanderbilt, Hoa Kỳ; (11) GS. Evan Y. Snyder, Giáo sư Viện Burnham Prebys Khám phá Y khoa, Giám đốc Trung tâm Tế bào Gốc và Y học Tái tạo, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tế bào Gốc, Trung tâm Nghiên cứu Sưc khỏe Nhi đồng Stanford, Hoa Kỳ (12) GS. Masahiro Takei, Giáo sư và Phó trưởng Bộ môn Kỹ thuật Cơ khí, Kỹ thuật Hệ thống Y khoa, Đại học Chiba, Nhật Bản; (13) GS. Alex Vitkin, Giáo sư ngành Vật lý Y Sinh và Xạ trị trong Ung thư; (14) GS. Cui Wen, Giáo sư Danh dự, Trường kỹ thuật, Đại học RMIT, Úc; (15) Ping Xue, Bộ môn Vật lý, Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc.

Bên cạnh đó còn có sự trình bày của 15 diễn giả khách mời trong các phiên hội nghị ở các lĩnh vực: Thiết bị Y tế và Khởi nghiệp, Vật liệu Ứng dụng trong Y Sinh và công nghệ in 3D, thuốc nano và hệ mang thuốc, Quang tử Y tế, Cơ sinh học, Khoa học và Công nghệ ứng dụng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cho các nước đang phát triển, tiến bộ về tin học và thực nghiệm hiện đại trong y học phân tử, Y học Tái tạo và Kỹ thuật Mô, công nghệ Lab trên con chip và y tế tại chỗ, Xử lý Tín hiệu và Hình ảnh Y Sinh, Y tế Cộng đồng, Liệu pháp Ung thư và Phẫu thuật Tái tạo, Công nghệ tiên tiến trong Chuẩn đoán các bệnh lý về giấc ngủ.

Đoàn đại biểu từ các lĩnh vực khác nhau trên thế giới tham gia vào BME7

Ngoài các hoạt động này, một sự kiện đáng nhớ tại BME7 là lễ trao giải thường của Phòng thí nghiệm Keylab cho GS. Ruth Nussinov, Giáo sư và Chủ nhiệm Nghiên cứu của Viện Ung thư Quốc Gia Hoa Kỳ và Đại học Tel Aviv, Israel; và lễ ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) giữa Trường Đại học Quốc Tế và Đại học Quốc gia Chung Hsing, Đài Loan cũng như MOU giữa Bộ môn Kỹ thuật Y Sinh (KTYS), ĐH Quốc Tế và Bộ môn Kỹ thuật và Khoa học Y Sinh, Viện Khoa học và Công nghệ Gwangju (GIST), Hàn Quốc.

Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Bộ môn KTYS, ĐH Quốc Tế và Bộ môn Kỹ thuật và Khoa học Y Sinh, GIST. Từ trái sang phải: GS.TS. Võ Văn Tới, Trưởng Bộ môn KTYS, ĐH Quốc Tế và GS.TS.BS. Raekil Park, Trưởng Bộ môn Kỹ thuật và Khoa học Y Sinh, GIST.

Ngoài ra, một sự kiện khác đáng chú ý tại Hội nghị BME7 là hội thảo liên kết Việt Nam-Vương quốc Anh (VN-UK) trong lĩnh vực Kỹ thuật Y Sinh, được tài trợ bởi Quỹ Newton Researcher Links của Hội đồng Anh. Đây là lần thứ hai chúng tôi có vinh hạnh được tổ chức hội thảo liên kết này, giúp quy tụ các nhà nghiên cứu đến từ Vương quốc Anh và Việt Nam để cùng nhau xác định các cơ hội cho việc hợp tác lâu dài. Các cố vấn chuyên môn của buổi hội thảo là GS. Lê Hoài Quốc (SHTP), GS. Võ Văn Tới (KTYS Đại học Quốc Tế), GS. Tony Cass (Imperial College London), và GS. Nguyễn T.K. Thanh (University College London). Hai người điều phối là TS. Cecile Perrault – Giảng viên Bộ môn Kỹ thuật Cơ khí, Đại học Sheffield, Vương quốc Anh và TS. Huỳnh Chấn Khôn – Giảng viên Bộ môn KTYS, Đại học Quốc Tế. Buổi hội thảo hướng đến việc thiết lập mạng lưới khoa học trong lĩnh vực Hệ Vi lưu, Vật liệu nano trong Y Sinh và Chăm sóc tại chỗ; cũng như hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và hỗ trợ khởi nghiệp giữa Vương quốc Anh và Việt Nam. Hội thảo có sự tham dự của 15 nhà nghiên cứu đến từ 11 trường đại học ở Vương quốc Anh bao gồm: (1) University College London, (2) Đại học Imperial College London, (3) Đại học Sheffield, (4) Đại học Newcastle, (5) Đại học Coventry, (6) Đại học Brighton, (7) Đại học Oxford, (8) Đại học Cambridge, (9) Đại học Manchester Metropolitan, (10) Đại học Portsmouth và (11) Đơn vị nghiên cứu lâm sàng thuộc Đại học Oxford tại Việt Nam. Ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ trang thiết bị Y tế Việt Nam là diễn giả khách mời chính của hội thảo lần này. Ngày cuối cùng của Hội thảo được dành cho cuộc thảo luận bàn tròn giữa các nhà nghiên cứu ở Việt Nam và các nhà nghiên cứu đến từ Anh quốc để giới thiệu các nguồn quỹ tài trợ nghiên cứu tại Việt Nam và Vương quốc Anh, đồng thời xây dựng các dự án hợp tác giữa hai bên.

Rất nhiều các công ty về Kỹ thuật Y Sinh đã trưng bày các sản phẩm và các hoạt động của họ tại Hội nghị. Các hoạt động khác bao gồm chuyến tham quan các nhà máy sản xuất và công ty thiết bị y tế trong Khu công nghệ cao. Một buổi tiệc tối và các hoạt động xã hội khác cũng được tổ chức để giới thiệu với các vị khách quốc tế về nền văn hóa Việt Nam.

Như các kỳ Hội nghị trước, kỷ yếu của Hội nghị lần này sẽ được đăng trong chuỗi sách kỷ yếu "IFMBE Proceedings Series" của Liên đoàn Kỹ thuật Y học và Sinh học Quốc tế (IFMBE) và được xuất bản bởi Springer. Chuỗi sách này bao gồm tất cả sách kỷ yếu trong các hội nghị của IFMBE, được in thành sách giấy và sách điện tử trong CD/DVD, và trên website của Springer tại địa chỉ: link.springer.com. Mỗi bài báo có số DOI riêng, và hoàn toàn được công nhận bởi một số dịch vụ lập chỉ mục. Quyển kỷ yếu IFMBE được đánh chỉ mục của ISI (Thomson Reuters), Scopus, Scimago, và Google Scholar.

Ban tổ chức hội nghị BME7 xin chân thành cảm ơn các nhà tài trợ sau: ĐHQG-HCM, Trường Đại học Quốc Tế, Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), IFMBE, NAFOSTED, SHTP, Newton Fund, Hội đồng Anh, Korea United Pharm. Inc., CUBE DCM Korea, Công ty TNHH phát triển khoa học Vitech, Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư T&N, Công ty TNHH Trang thiết bị dụng cụ Y khoa Tân Mai Thành, Công ty BCE Vietnam, Bệnh viện Mắt Cao Thắng, Tập đoàn SISG, Công ty Cổ phần Kinh doanh Thiết bị và Dịch vụ Kỹ thuật, Công ty PTK và nhiều đơn vị khác nữa.

Thông tin chi tiết về BME7 có trên website: http://csc.hcmiu.edu.vn/bmeconf/bme2018/

Phụ Lục:

Đại học Quốc Gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) là một trong hai hệ thống đại học hàng đầu của Việt Nam. ĐHQG-HCM được Văn phòng Thủ Tướng Chính Phủ thành lập năm 1995, với quy chế tổ chức và hoạt động đặc biệt. Hiện nay ĐHQG-HCM gồm 7 trường đại học thành viên, và nhiều viện, khoa và trung tâm với hơn 5.600 nhân viên (trong đó 2.600 là giảng viên), 55.000 sinh viên đại học, 9.500 sinh viên thạc sĩ và 680 nghiên cứu  sinh. Đại học Quốc Tế (IU) là một thành viên đặc biệt của ĐHQG-HCM và đây là đại học duy nhất trong hệ thống có Bộ môn Kỹ thuật Y Sinh trực thuộc Ban Giám Hiệu.

Đại học Quốc Tế (ĐHQT), một thành viên của ĐHQG-HCM, được thành lập năm 2003 với nhiệm vụ tiên phong trong việc cải cách giáo dục đại học ở Việt Nam. Đây là trường đại học công lập đầu tiên giảng dạy bằng tiếng Anh. Trường đã mở rộng hợp tác với nhiều trường đại học ở Úc, New Zealand, Thái Lan, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ. Hiện nay, ĐHQT có trên 7.000 sinh viên, 250 giảng viên và hơn 100 nhân viên.

Bộ môn Kỹ thuật Y sinh (KTYS) ở ĐHQT được thành lập vào năm 2009. Bộ môn đào tạo chương trình “Kỹ Sư KTYS” (tương đương bằng cử nhân KTYS ở Mỹ) và “Thạc Sĩ KTYS”.  Hoạt động nghiên cứu của Bộ môn tập trung vào việc thiết kế và ứng dụng thiết bị y tế để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của đất nước. Các hoạt động khác gồm Xử lý Tín hiệu và Hình ảnh Y Sinh, Kỹ thuật Dược, và Y học Tái tạo. Mục tiêu của bộ môn là thúc đẩy mối liên kết chặt chẽ giữa giáo dục, nghiên cứu và kinh thầu (entrepreneurship). Phương châm của Bộ môn là: Chất lượng cao, Bền vững và Hữu ích. Hiện tại, Bộ môn có hơn 300 sinh viên đại học và sau đại học và 17 giảng viên và nhân viên. Vào tháng 12 năm 2015, chương trình đào tạo đại học của bộ môn được Mạng lưới các trường Đại học Đông Nam Á (AUN) đánh giá cao nhất tại Việt Nam và cao thứ nhì Đông Nam Á trong tất cả các chương trình đào tạo đã được AUN đánh giá chất lượng ở thời điểm đó.

Giáo sư Võ Văn Tới, Trưởng Bộ môn KTYS, là Tiến sĩ ngành Vi Kỹ thuật (Micro‐Engineering) từ năm 1983 tại trường Bách Khoa Liên bang Lausanne (Ecole Polytechnique Fédérale de Lausanne, EPFL), Thụy Sĩ. Từ năm 1983 đến 1984 ông theo đuổi nghiên cứu sau tiến sĩ tại bộ môn Khoa học và Công nghệ Sức khỏe trong chương trình liên kết giữa Đại học Harvard và Viện Công nghệ Massachusetts (Massachusetts Institute of Technology, MIT), Hoa Kỳ. Từ năm 1984 đến 2009, ông là giáo sư tại trường Bách Khoa của Đại học Tufts, Hoa Kỳ. Ông là đồng chủ tịch của các chương trình liên kết giữa trường Bách Khoa và trường Y Khoa, cũng như giữa trường Bách Khoa với trường Nha Khoa của Đại Học Tufts. Từ năm 1991 đến 1992 ông là giáo sư thỉnh giảng nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Mắt Scheie của Đại học Pennsylvania, Hoa Kỳ. Từ năm 1992 đến 1994 ông giúp thành lập và trở thành Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Mắt tại Sion, Thụy Sĩ. Năm 2003, ông thành lập Bộ môn KTYS tại Đại Học Tufts. Từ năm 2004 đến 2007, Tổng thống Hoa Kỳ G. Bush bổ nhiệm ông làm thành viên của Hội đồng quản trị của Quỹ Giáo dục Việt Nam (Vietnam Education Foundation, VEF). VEF là một cơ quan của chính phủ Hoa Kỳ được Quốc hội thành lập năm 2003 nhằm mục đích tạo cơ hội hợp tác chặt chẽ với Việt Nam qua hoạt động trao đổi giáo dục trong khoa học, kỹ thuật, toán học, y học và công nghệ. Từ năm 2007 đến 2009, Giáo sư Tới được bổ nhiệm làm Giám đốc Điều hành của VEF. Năm 2009 Giáo sư Tới từ chức ở VEF và nghỉ hưu sớm ở Tufts để trở về Việt Nam thành lập Bộ môn KTYS của trường ĐHQT. Lĩnh vực nghiên cứu của ông bao gồm: Thiết kế và ứng dụng Thiết bị Y tế, Cơ chế hoạt động của hệ thống thị giác con người, Nhãn khoa, và Y tế Viễn thông.

Vui lòng liên lạc để biết thêm thông tin:

GS.TS. Võ Văn Tới, Chủ tịch Hội nghị

Bộ môn Kỹ thuật Y Sinh

Đại học Quốc gia Việt Nam - Đại học Quốc Tế

Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam

Tel: (84-8) - 37 24 42 70 Ext. 3237

Website: www.hcmiu.edu.vn/bme

Email: vvtoi@hcmiu.edu.vn

[Trờ về]

Tin khác
Hội thảo Quốc tế Khoa học và Công nghệ Không gian (08/12)
Trường ĐHQT chính thức tổ chức kì thi kiểm tra năng lực năm 2017 (14/04)
Ngày hội mở và Thông tin tuyển sinh 2017 (12/03)

Đối tác